Triệu chứng và tiêu chuẩn chẩn đoán Rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Một ví dụ về triệu chứng lâm sàng điển hình (Bs.Nguyễn Mạnh Hoàn):

Ám ảnh về sự xâm phạm: Ám ảnh này thường là các ý tưởng tái diễn về một hành vi nghiêm trọng, tội lỗi, đáng chê trách mà mình có thể phạm phải như một phụ nữ bị dày vò bởi sợ mình có thể cuối cùng không còn khả năng chống lại xung động giết đứa con thân yêu của mình...hoặc bị dày vò bởi một hình ảnh tái diễn trong đầu với nội dung thô tục, dâm ô đáng nguyền rủa và xa lạ với bản thân mình. Đôi khi là những ý nghĩ vô tận, triết lý về những chủ đề, lựa chọn không thể cân nhắc được. Suy nghĩ do dự về những lựa chọn là nhân tố quan trọng trong nghiền ngẫm ám ảnh, thường kết hợp với mất khả năng quyết định những việc tầm thường nhưng cần thiết hàng ngày.

Ý nghĩ ám ảnhHành vi cưỡng chế

Những ý nghĩ vô nghĩa cứ lặp lại một cách thường xuyên trong tâm trí người bệnh. Thể hiện sự sợ hãi có tính chất hoang tưởng một cách dai dẳng, lo âu thái quá về sạch sẽ hay mọi thứ phải thật hoàn hảo là những biểu hiện hay gặp. Liên tục người bệnh bị các ý nghĩ lo âu quấy rối chẳng hạn như "cái bát này vẫn chưa sạch nó cần phải được rửa lại", "hình như tôi quên khóa cửa sổ" hay "tôi chắc chắn là mình đã không dán tem vào phong bì" và tạo ra sự lo âu cao độ (còn trên thực tế thì bát đã rất sạch, cửa sổ khóa chắc chắn và tem cũng đã dán ở phong bì rồi)

Các ám ảnh phổ biến nhất[7]:

  • Sợ bị bẩn
  • Sợ gây tổn hại tới người khác
  • Sợ mắc sai lầm
  • Sợ hành vi của mình không được chấp nhận
  • Đòi hỏi tính cân đối và chính xác
  • Nghi ngờ quá mức

Đa số người mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế có các hành vi lặp lại gọi là hành vi cưỡng chế nó có ý nghĩa như sự đáp trả lại những ý nghĩ ám ảnh. Phổ biến nhất là luôn kiểm tra và giặt giũ. Các hành vi cưỡng chế khác như tích trữ, sắp xếp lại và đếm (thường diễn ra khi thực hiện hoạt động bắt buộc khác như sự kiểm tra khóa), kiểm tra hay liệt kê những việc đã làm cũng phổ biến. Những hành vi này nói chung là có mục đích tránh những tổn thất cho người mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế hoặc những người khác. Một số người mà hành vi cưỡng chế của họ gần như là một nghi lễ, điều đó giúp họ giảm bớt lo âu nhưng điều này chỉ mang tính tạm thời.

Các hành vi cưỡng chế phổ biến[7]:

  • Lau chùi và giặt giũ
  • Kiểm tra
  • Sắp xếp
  • Sưu tầm và tích trữ
  • Đếm nhiều lần

Người mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế phần nào hiểu rõ tính chất vô ích của ám ảnh. Chính họ cũng công nhận ý nghĩ ám ảnh và hành vi cưỡng chế của họ là phi lý (80% người bị OCD cho ám ảnh của mình là vô lý). Nhưng phần lớn họ không có nhận định chắc chắn về sự sợ hãi của mình hoặc thậm chí có niềm tin mạnh mẽ rằng những hành vi đó là phù hợp.

Những người mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế phải đấu tranh rất quyết liệt để xua những ý nghĩ không mong muốn và hành vi cưỡng chế. Rất nhiều người có thể ngăn các triệu chứng ám ảnh cưỡng chế xuất hiện trong nhiều giờ khi họ ở trong lớp học hay ở nơi làm việc. Nhưng qua thời gian đó sự kháng cự yếu đi và họ bị chi phối bởi hành vi ám ảnh mang tính chất lễ nghi rất mạnh, nó ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của bệnh nhân và đôi khi khiến họ khó có thể ở một nơi nào đó ngoài căn nhà của mình. Bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế kéo dài trong vài năm thậm chí hàng chục năm. Các triệu chứng có thể giảm độ khốc liệt theo thời gian và đạt độ ổn định lâu dài ở dạng nhẹ nhưng đối với phần lớn người bệnh các triệu chứng là mãn tính.

Các rối loạn có phổ rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Obsessive-Compulsive Spectrum Disorders) là những rối loạn rất độc đáo trong đó có nhiều triệu chứng trùng lặp với OCD. Một số triệu chứng dạng OCD gồm:

1- Rối loạn ăn uống

2- Cưỡng bức cờ bạc

3- Rối loạn hình thái cơ thể (Mặc cảm ngoại hình)

4- Rối loạn tự kỷ

5- Chứng giật nhổ tóc

6- Cưỡng bức mua sắm

7- Chứng ăn cắp vặt

Tiêu chuẩn chẩn đoán

Theo ICD-10, để chẩn đoán chắc chắn, các ý nghĩ ám ảnh hoặc hành vi cưỡng chế hoặc cả hai phải hiện diện hằng ngày trong ít nhất hai tuần lễ liên tiếp, gây khổ sở cho người bệnh hoặc ảnh hưởng đến các sinh hoạt thường ngày. Các triệu chứng ám ảnh phải có những đặc điểm sau đây[8]:

  • Người bệnh thừa nhận đó là những ý nghĩ hoặc xung động của chính mình
  • Có ít nhất một ý nghĩ hoặc một hành vi đang được người bệnh tiếp tục chống lại, mặc dù không có kết quả (tuy nhiên có thể kèm theo các triệu chứng khác mà người bệnh không chống lại nữa)
  • Ý nghĩ ám ảnh hoặc hành vi cưỡng chế không mang lại một sự thích thú nào cho người bệnh, chú ý rằng sự giảm căng thẳng hoặc lo âu không được coi là thích thú
  • Các ý nghĩ, biểu tượng hoặc xung động phải lặp đi lặp lại và gây khó chịu

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Rối loạn ám ảnh cưỡng chế http://www.emedicine.com/med/topic1654.htm http://www.icd9data.com/getICD9Code.ashx?icd9=300.... http://emedicine.medscape.com/article/287681-overv... http://www.nytimes.com/2007/12/04/health/04mind.ht... http://www.psychologytoday.com/conditions/ocd.html http://www.nimh.nih.gov/health/publications/anxiet... http://www.nimh.nih.gov/health/topics/obsessive-co... //www.nlm.nih.gov/cgi/mesh/2020/MB_cgi?field=uid&t... http://apps.who.int/classifications/icd10/browse/2... http://familydoctor.org/online/famdocen/home/commo...